Chị Hồng Nhung, làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) rao bán 60 thùng dầu ăn của Nga trong gần một tuần, thu về khoảng 50 triệu đồng. Chị cho biết, đây là thưởng Tết của công ty. Do đối tác ế hàng nên trả cổ phần bằng dầu ăn, công ty chị lấy luôn làm khoản thưởng cho cán bộ, nhân viên.
"Mỗi thùng là 15 chai dầu 1 lít. Nhìn mấy chục thùng dầu ăn nhận về, vợ chồng mình tưởng tượng ngay cảnh Tết này ngồi ngắm dầu. May rao bán giá rẻ hơn thị trường nên tiêu thụ cũng nhanh. Thu được tiền về là còn hơn nhiều nơi khác", chị chia sẻ.
Làm cùng công ty với chị Nhung, chị Đỗ Mai, nhà ở quận Nam Từ Liêm cho biết, công ty chị không chỉ thưởng Tết bằng dầu ăn mà còn trả cả lương nhân viên cũng bằng sản phẩm này.
Một công ty tại Hà Nội bày quà tặng Tết cho nhân viên là gạo và dầu ăn. "Tết Âm lịch tới, ngoài dầu ăn, có lẽ nhân viên còn nhận thưởng bằng hạt macca, cũng là một sản phẩm khác của công ty. Kinh doanh ế ẩm, không có tiền trả nhân viên thì đành trả bằng sản phẩm chứ biết làm thế nào", chị nói. Theo khảo sát tại Hà Nội, tình hình thưởng Tết tại các doanh nghiệp năm nay khá ảm đạm chứ không cao như dự đoán. Không hiếm doanh nghiệp lấy luôn sản phẩm của công ty mình làm quà thưởng Tết hoặc tặng kèm cho nhân viên. Chị Thùy Dung, nhân viên một công ty sữa tại Hà Nam đã quá quen thuộc với việc công ty trả thưởng bằng sữa. "Không chỉ Tết Nguyên đán, các dịp lễ, kỷ niệm lớn, công ty cũng đều quy thưởng ra sữa. Tết này, ngoài lương tháng 13, nhân viên chúng tôi lại nhận về thêm 2 thùng sữa. Ngoài ra không có gì khác", Dung chia sẻ. Tìm hiểu tại nhiều công ty, doanh nghiệp ở Hà Nội, hình thức thưởng Tết bằng hiện vật ngày càng phổ biến. Các sản phẩm được chọn làm quà cho nhân viên trong dịp lễ cổ truyền khá phong phú, từ gạo, miến, nước mắm, dầu ăn tới đặc sản vùng miền như giò bê, giò bò, bánh tét; và cả cây cảnh như đào, mai... Chị Anh Quyên, nhân viên kế toán một hãng di động Trung Quốc tại Việt Nam khoe: "Tết mọi năm, công ty tôi chỉ có tháng lương thứ 13 theo quy định là hết. Năm nay tiến bộ hơn, nhân viên được thêm mỗi người hẳn 5kg gạo và can 5 lít dầu ăn". Lý giải việc nhiều công ty lựa chọn thưởng Tết hoặc tặng quà đi kèm bằng hiện vật, anh Hồ Huy Nam, trưởng phòng Truyền thông một công ty kinh doanh mảng xây dựng cho rằng, do 2 nguyên nhân: Doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh doanh, khó tiêu thụ hàng nên lấy hàng ra thưởng; hoặc vì muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo truyền thống dân tộc. Như ở công ty anh Nam, ngoài việc thưởng bằng tiền mặt, nhiều năm nay, công ty thường có quà tặng kèm cho CBNV là đặc sản vùng miền. Anh Nam cho rằng, Tết Nguyên đán là dịp lễ đặc biệt của người Việt. Nhân dịp này, người Việt thường tặng nhau những món quà mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng, công ty anh cũng muốn lựa chọn những món quà ý nghĩa gửi tặng tới nhân viên và gia đình họ, làm tăng tình đoàn kết, gắn bó. "Năm trước, Tổng giám đốc bên tôi còn gửi tới tứ thân phụ mẫu CBNV một bài thơ về chữ Hiếu, đi kèm phong bao lì xì để thay mặt công ty, tri ân các đấng sinh thành. Quà thưởng như vậy, ai cũng trân trọng chứ không cứ phải tiền trăm, tiền triệu hay biệt thự, xe hơi", anh nói. Việc lựa chọn quà tặng Tết như thế nào cũng là cách doanh nghiệp truyền tải tới CBNV cũng như khách hàng hình ảnh và thông điệp của mình. Vì vậy, ngoài thưởng bằng tiền, nhiều công ty sữa tặng thêm sữa cho nhân viên, công ty kinh doanh bánh mứt kẹo tặng giỏ quà. Anh Nam còn liệt kê có công ty kinh doanh dịch vụ cây cảnh tặng nhân viên và đối tác bon sai, non bộ; một công ty chế biến lương thực thực phẩm ở Hoài Đức (Hà Nội) duy trì tặng giò ngựa, giò bò tự làm...
|